Hội chứng công sở
Mắt sưng húp, mũi họng thì cay rát, da dẻ trở nên khô và ngứa ngáy; rồi đau đầu, mệt mỏi... là tình trạng thường gặp sau giờ tan sở của giới văn phòng.
Đó là triệu chứng của hội chứng đau nhức do cao ốc (SBS: sick building syndrome). Mới nghe qua thật kinh khủng, nhưng đó lại là cách diễn tả đơn giản nhất trạng thái thể chất và tâm lý mà các cư dân cao ốc hiện nay thường trải nghiệm, có thể được coi như tình trạng cấp tính về sức khỏe.
Mức độ của SBS phụ thuộc vào thời lượng nạn nhân hiện diện trong cao ốc. Thế nhưng, điều kỳ lạ là không có chứng bệnh đặc trưng hay nguyên nhân cụ thể nào thực sự được xác nhận.
Năm ngoái, một khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho thấy có đến 30% cao ốc mới xây hay được nâng cấp trên toàn thế giới thực sự gây ra các vấn đề về thể chất và tâm lý cho người ở, chủ yếu do chất lượng không khí bên trong.
Để tiết kiệm năng lượng, những công trình thẳng đứng thập kỷ 1970 được thiết kế kín mít với các cửa sổ cố định. Thế là một hệ quả không mong đợi đã xảy đến: nấm mốc bám dày các cửa sổ cùng với các loại hóa chất từ sản phẩm tẩy rửa sàn nhà, ozone từ máy photocopy, chất diệt khuẩn trong thuốc xịt phòng, bụi bặm từ những tấm thảm mới, và cả khói bụi tích tụ từ hệ thống thông gió… Tất cả nhanh chóng tạo ra một bầu không khí ngột ngạt và đầy nguy cơ cho nhân viên văn phòng.
Tuy nhiên, không ai biết được nguyên nhân thực sự vì sao người ta ngã bệnh, có thể không chỉ vì lý do chất lượng không khí. Đặc biệt có ý kiến cho rằng có thể vì nạn nhân ngồi quá lâu trước máy tính, nhất là với loại màn hình VDU (visual display unit).
Phòng ốc và tư duy
Ngày càng có nhiều phát hiện khoa học cho thấy cách thiết kế phòng ốc là nguyên nhân của một số bệnh tật. Độ cao của trần nhà, hướng cửa sổ, màu sắc và vị trí đồ đạc, cách trang trí nội thất và cả mức độ ánh sáng tự nhiên mà căn phòng nhận được… giữ vai trò chính yếu đối với sức khỏe và tính khí chủ nhân. Vào những năm 1950, bác sĩ Jonas Salk, một chuyên gia về bại liệt nổi tiếng thế giới, thường xuyên làm việc trong một phòng nghiên cứu tối tăm ở Pittsburgh. Tiến trình công việc cứ ì ạch một phần do tình trạng thể chất và thiếu sáng tạo của nhà sinh vật học đoạt giải Nobel này.
Để thư giãn, Salk đã du lịch đến Assisi của Ý, nơi ông bỏ ra phần lớn thời gian trong một tu viện cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, với các trụ cột cao và một khoảng không gian cùng mảnh sân nhỏ ở giữa. Ông nhận ra mình như bị cuốn vào vòng xoáy tư duy với nhiều sáng tạo kỳ lạ, trong đó có sự kiện đã đưa ông đến với sáng chế ra vaccine bại liệt…
GS Salk tin rằng nguồn cảm hứng nghiên cứu của ông chắc chắn đến từ lối kiến trúc trầm mặc của tu viện. Chính niềm tin mạnh mẽ vào khả năng này đã khiến ông cùng kiến trúc sư lừng danh Louis Kahn quyết định xây dựng viện nghiên cứu mang tên ông ở La Jolla, California. Đây là khu phức hợp tiện nghi và khoa học nhất thế giới, có khả năng kích thích sáng tạo và tư duy đột phá…
Phòng ốc và tính khí
Từ lâu, các kiến trúc sư đã linh cảm được sự tác động của nhà cửa, phòng ốc đối với suy nghĩ, cảm xúc và cả hành vi con người, thế nhưng mãi đến hơn nửa thế kỷ sau chuyến tham quan gây cảm hứng của giáo sư sinh học Salk, các nhà khoa học hành vi mới tập trung tìm kiếm cơ sở khoa học của sự trực giác này.
Viện Hàn lâm khoa học kiến trúc San Diego (Hoa Kỳ) hiện cũng đang khuyến khích các nghiên cứu và học thuật về cách môi trường tác động đến suy nghĩ và hành vi con người. Một số trường kiến trúc hàng đầu thế giới cũng đưa vào giảng dạy bộ môn khoa học thần kinh và tâm lý môi trường…
Trong khi đó, trường Kingsdale ở London, với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia tâm lý học hàng đầu châu Âu, cũng đã tái thiết kế và nâng cấp hệ thống giảng đường và phòng nghiên cứu theo lối kiến trúc riêng với mục đích kích thích sự liên kết xã hội. Công trình kiến trúc mới này còn lồng ghép vật liệu và hướng gió nhằm kích thích sáng tạo.
Mối quan hệ hữu cơ
Sự tương tác giữa con người với môi trường xây dựng đã được nhận thức từ những năm 1950 khi một số công trình khoa học phát hiện cách thiết kế bệnh viện có ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh, đặc biệt việc bố trí phòng ốc tại những bệnh viện tâm thần có tác động mạnh mẽ đến thái độ và hành vi bệnh nhân.
Các chuyên gia về khoa học hành vi cũng thừa nhận rằng trần nhà cao hơn khuyến khích người ta suy nghĩ tự do hơn, có thể đưa đến sự liên kết trừu tượng hơn. Hay nói cách khác, cảm giác bị giam hãm do trần nhà thấp có thể làm cho người ta có cách nhìn mang tính thống kê và chi tiết hơn.
“Không gian có tác động rất lớn đến dạng nhiệm vụ mà bạn thực hiện - GS Meyers-Levy chuyên gia về tiếp thị và hành vi ở ĐH Minnesota giải thích - Nếu bạn đang ở trong một phòng mổ, có thể trần nhà thấp sẽ tốt hơn cho bạn, vì chuyên gia phẫu thuật sẽ chính xác từng chi tiết. Tương tự, việc chi trả hoá đơn sẽ hiệu quả nhất khi được thực hiện trong một căn phòng có trần thấp; trong khi ngược lại, việc sáng tác những tác phẩm nghệ thuật giá trị chỉ có thể xảy ra trong một studio có trần càng cao càng tốt…”.
Bà còn chỉ ra rằng cảm giác của chủ nhân về độ cao thật sự quan trọng. Chỉ cần bạn khéo léo một chút trong nhận thức không gian bằng việc sử dụng loại sơn màu sáng hay kính phản quang cũng có thể làm cho căn phòng như rộng và cao hơn…
Cảnh quan
Hướng công trình xây dựng cũng ảnh hưởng đến sự tinh thông về trí tuệ, đặc biệt là kích thích sự tập trung của chủ nhân. Mặc dù khi nhìn qua cửa sổ có vẻ làm chúng ta xao lãng và mất tập trung, nhưng thực tế thì việc đưa tầm nhìn vào những cảnh quan tự nhiên như vườn tược, đồng lúa, rừng cây… lại giúp cải thiện khả năng tập trung của con người.
Một nghiên cứu năm 2000 do chuyên gia tâm lý môi trường Nancy Wells và các đồng nghiệp ở ĐH Cornell thực hiện cho thấy rằng, các sinh viên đại học thường nhìn qua cửa sổ có cảnh quan tự nhiên luôn có điểm cao hơn trong các cuộc kiểm tra đánh giá sự tập trung, đặc biệt trạng thái tinh thần cũng tốt hơn những đối tượng so sánh chỉ nhìn toàn những cấu trúc do con người tạo ra.
Và ánh sáng tự nhiên
Cùng với màu xanh cây cỏ, tự nhiên còn mang đến cho chúng ta một tài sản quý khác là ánh sáng. Ánh sáng ban ngày luôn gắn liền với chu kỳ ngủ thức (hay nhịp ngày đêm) của cơ thể, cho chúng ta sự tỉnh táo suốt ngày và buồn ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, nhiều cao ốc và cơ quan không được thiết kế cho mục đích khai thác tối đa ánh sáng tự nhiên ban ngày - vốn rất cần cho cơ thể và đầu óc chúng ta.
“Thiếu ánh sáng trời là vấn đề đặc biệt xấu đối với hoạt động trí óc - GS Tanner khẳng định - Hãy thử đưa một đứa trẻ không có đủ thời gian nghỉ ngơi đến lớp học có rất ít ánh sáng ngày và đoán xem điều gì xảy ra. Nó sẽ mệt hơn và ngủ gục ngay trên bàn”.
Một nghiên cứu hồi năm 2008 tại Thụy Điển đã cho thấy khi bố trí 100 học sinh tiểu học vào 4 phòng học khác nhau trong thời gian một năm, những đứa trẻ trong lớp có ít ánh sáng tự nhiên có mức cortisol - loại hormone bị chi phối mạnh bởi nhịp sinh học cơ thể - bị rối loạn nghiêm trọng.
Tương tự, hiệu ứng ánh sáng trời cũng xảy ra đối với những nhà dưỡng lão. Trí nhớ của các đối tượng hưu trí sẽ trở nên tồi tệ hơn khi ở trong môi trường quá tối. Hay nói cách khác, nhịp sinh học cơ thể họ nhanh chóng bị “tê liệt” do môi trường sống thiếu ánh sáng tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên sử dụng loại đèn LED xanh dương và các loại thiết bị bổ sung ánh sáng có quang phổ màu huỳnh quang, vì cả hai đều có đủ lượng ánh sáng xanh để kích thích gia tăng hệ nhịp ngày-đêm và giữ cho cơ thể chúng ta tỉnh táo và năng động; đặc biệt vào ban ngày, các cao ốc và khu dân cư tập thể nên khai thác tối đa ánh sáng trời. Và, ban đêm nên sử dụng loại đèn chiếu có bước sóng dài hơn, càng ít khả năng tạo ánh sáng càng tốt, để hệ nhịp sinh học cơ thể phát hiện được và có sự can thiệp vào giấc ngủ ban đêm.
Đào Hùng (theo Times) |