Do đây là lớp người có quyền chức và giàu có nên một trong những
phong cách kiến trúc cho ngôi nhà mà họ thích nhất chính là phong cách
Tân cổ điển, một phong cách cổ suý cho tính chất hoành tráng của kiến
trúc La Mã với tính đăng đối nghiêm ngặt, vẻ kỳ vĩ, sự uy nghi và những
trang trí phần nào mang tính khoa trương. Ảnh 1: Biệt thự Tân cổ điển duy lý trên phố Tôn Đản
Biệt
thự Tân cổ điển thời Pháp thuộc đều là những biệt thự có khối tích lớn,
dây chuyền công năng rất hoàn chỉnh và ở mức độ tiện nghi cao cấp. Các
không gian chức năng của biệt thự thường được bố trí trên ba tầng: tầng
bán hầm hay tầng trệt là nơi bố trí chỗ để xe, nhà bếp, các kho và phòng
ở gia nhân; tầng một gồm chính sảnh rộng rãi, phòng khách, phòng sinh
hoạt gia đình, phòng ăn; tầng hai gồm các phòng chính và phụ có khu vệ
sinh riêng, ban công, sân chơi. Phòng làm việc và thư viện gia đình có
thể được bố trí ở tầng một hoặc tầng hai.
Phong cách Tân cổ điển
đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt qui luật đối xứng trong tổ hợp mặt bằng
nên các không gian chức năng nêu trên được bố trí trên cơ sở một hay hai
trục đối xứng. Giao thông theo phương đứng được đảm trách bởi ít
nhất là hai cầu thang: cầu thang đối ngoại rất sang trọng với nhiều hoạ
tiết cầu kỳ được nối trực tiếp từ hướng cổng vào lên chính sảnh, các
cầu thang nội bộ bố trí phía trong nhà bao gồm cầu thang từ tầng trệt
lên tầng một có cấu tạo tương đối đơn giản và chủ yếu dành cho gia nhân,
cầu thang từ tầng một lên tầng hai dành cho gia chủ nên dược trang trí
khá cầu kỳ. Đa phần biệt thự Tân cổ điển có diện tích xây dựng
rất lớn nên diện tích sân vườn không còn nhiều, trừ biệt thự Schneider
trong khuôn viên trường Chu Văn An, tuy nhiên hệ thống cây xanh ở đây
đều được thiết kế rất chăm chút: từ thảm cỏ, các loại cây thân thảo tầng
thấp đến các loại cây thân mộc tầng cao đều được bố trí một cách hết
sức có chủ đích. Ảnh 2: Biệt thự Tân cổ điển thuần khiết trên phố Trần Hưng Đạo
Biệt
thự phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội thời Pháp thuộc rất phong phú về
phương cách tạo hình, nghệ thuật trang trí và có thể được chia thành ba
loại chính theo các đặc trưng về tổ hợp hình khối kiến trúc và phong
cách trang trí:
1 - Biệt thự Tân cổ điển duy lý
(Néoclassicisme rationaliste) đặc trưng bởi bố cục hình khối tương đối
đơn giản và mặt đứng hoàn toàn đối xứng. Khối giữa nhà luôn được tổ chức
nhô ra phía trước, trong nhiều trường hợp còn được nhấn mạnh bởi một
ban công duy nhất phía trên lối vào chính, nơi tập trung nhiều hoạ tiết
trang trí nhằm tạo sự trang trọng và tính bề thế cho công trình. Hệ
thống cửa sổ và cửa đi thường được tổ chức vuông vắn, hai phía cửa được
trang trí bởi các thức cột cổ điển nâng một ô văng nhỏ nhưng giàu tính
trang trí phía trên. Mặc dù sử dụng các hoạ tiết mang tính cổ điển trong
các hình thức trang trí lan can, ban công và xung quanh các cửa xong
chỉ ở mức độ vừa phải, hợp lý. Phân vị ngang theo tầng nhà được nhấn
mạnh bằng hệ thống phào theo phương ngang được trang trí nhẹ nhàng. Các
góc nhà thường có hình thức đắp vữa giả cột tạo sự kết thúc theo phương
ngang của công trình. Mái có riềm mái hình băng ngang hoặc riềm mái kiểu
con tiện, một số nhỏ biệt thự sử dụng mái Mansard lợp ngói đá phiến màu
xẫm kết hợp với những ô cửa nhỏ hình tròn có các hoạ tiết trang trí
xung quanh (Ảnh 1). Ảnh 3: Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế trong khuôn viên trường Chu Văn An
2 - Biệt thự Tân cổ điển thuần khiết
(Néoclassicisme pur) nhấn mạnh tính cân bằng và vững chãi trong hình
khối không gian thông qua sự tuân thủ chặt chẽ quy tắc đối xứng theo
phương ngang và phân vị rõ ràng theo phương đứng. Các hoạ tiết trang trí
theo tinh thần cổ điển được trải đều trên mặt đứng nhưng đặc biệt nhấn
mạnh ở khối trung tâm với một vọng lâu được thiết kế rất trang nhã càng
làm tăng tính bề thế của ngôi nhà. Vọng lâu là bộ phận rất đặc trưng cho
loại biệt thự Tân cổ điển thuần khiết, ở các biệt thự lớn đây có thể
coi là phòng trà nhỏ trên mái, ở những biệt thự nhỏ nó chỉ còn là một bộ
phận mang tính trang trí đơn thuần. Mặc dù chỉ là một bộ phận nhỏ trong
ngôi nhà, vọng lâu được trang trí rất cầu kỳ với những hoạ tiết căng
đều trên cả phương ngang lẫn phương đứng, đặc biệt là việc sử lý mái
hình cung tròn với những hoạ tiết hình hoa lá tạo ra một điểm nhấn thú
vị và rất đặc biệt cho loại biệt thự này. Hệ thống cửa được tổ chức rất
cầu kỳ, cửa chính hình cuốn vòm, các cửa sổ được chia thành hai phần
ngăn cách bởi một trụ gạch nhỏ, phía trên là các hoạ tiết trang trí hình
tròn, bán cung hoặc tam giác nhằm lien kết hai phần cửa trong một hinhg
thái thống nhất. Mái nhà có phần riềm mái được trang trí khá cầu kỳ đỡ
hệ thống sê nô nhô ra khỏi tường và cũng được trang trí khá riêm rúa
nhấn mạnh sự kết thúc theo phương đứng của công trình (Ảnh 2). Ảnh 4: Chi tiết trang trí phía trên cửa biệt thự Schneider
3 - Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế
(Néoclassicisme impérial) đặc trưng bởi hình khối kiến trúc có bố cục
kiểu phức hợp với nhiều khối đa diện, đặc biệt là sự giàu có về trang
trí và sự phong phú của các hoạ tiết. Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế
nhấn mạnh tính chất trang trí: cửa sổ, cầu thang, ban công và cả những
mảng tường cũng được tận dụng để lấp đầy các hoạ tiết trang trí. Các
phân vị theo phương ngang được nhấn mạnh bởi hệ thống phào kết hợp với
các hoạ tiết trang trí trên các ban công và được kết thúc bởi phần riềm
mái được đua ra khá mạnh và trang trí hết sức tinh xảo. Hệ thống cửa
được tổ chức đa dạng với nhiều ô cửa kích thước khác nhau, các cửa sổ
lớn được chia thành ba phần bởi các trụ gạch nhỏ. Xung quanh cửa là nơi
tập trung các yếu tố trang trí với việc sử dụng các thức cột, sơn tường,
phù điêu hình mặt người và hoa lá. Các hoạ tiết trang trí được sắp xếp
đan xen, và lặp lại theo quy luật mang tính thống nhất cao. Đại diện lớn
nhất của của thể loại biệt thự này ở Hà Nội là biệt thự Schneider trong
khuôn viên trường Chu Văn An có thể so sánh với những biệt thự đẹp nhất
được xây dựng ở vùng Torino, Italia nửa cuối thế kỷ 19 (Ảnh 3, 4, 5). Ảnh 5: Trang trí trên tường và diềm mái
Nhận xét:
- Biệt thự Tân cổ điển thời Pháp thuộc ở Hà Nội có dây chuyền công năng rất hoàn chỉnh với mức độ tiện nghi cao cấp. -
Mặc dù cùng mang phong cách Tân cổ điển nhưng các biệt thự này có thể
được chia thành ba loại: Tân cổ điển duy lý, Tân cổ điển thuần khiết và
Tân cổ điển kiểu đế chế tuỳ theo các đặc trưng về tổ hợp không gian,
hình khối kiến trúc và phong cách trang trí. - Số lượng biệt thự
Tân cổ điển thời Pháp thuộc ở Hà Nội còn giữ được dáng dấp và công năng
ban đầu hiện nay không còn nhiều và vẫn đang bị suy giảm trong làn sóng
đô thị hoá, “cao ốc hoá” khu vực trung tâm thủ đô hiện nay. Do vậy việc
ban hành một chính sách bảo vệ bộ phận di sản kiến trúc biệt thự Tân cổ
điển nói riêng và biệt thự xây dựng trước năm 1954 đã trở thành hết sức
cấp thiết.
ThS.KTS Trần Quốc Bảo Giảng viên Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, ĐH Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận-đại (GRAH)
|