Một chiếc ban công xinh xắn được bố trí hợp Phong thủy không chỉ tạo điểm nhấn sinh động mà còn giúp cải thiện môi trường sống cho ngôi nhà, là nơi thư giãn lý tưởng cho các thành viên trong gia đình. Xét dưới góc nhìn Phong thuỷ, nếu như nói phần diện tích trong nhà với những hoạt động của con người bên trong đó mang tính động - dương thì lô gia và ban công như phần tĩnh - âm giúp cân bằng âm dương trong tổng thể của căn nhà vậy.
Kích thước, kiểu dáng Khi thiết kế ban công cho một ngôi nhà, vấn đề chiều cao và kết cấu an toàn, vững chắc luôn được đặt lên hang đầu. Thông số tiêu chuẩn tham khảo về độ cao lan can là từ 1,1 m trở lên, khoảng cách giữa các thanh gióng của lan can cũng không được quá 10cm. Với những gia đình có con nhỏ, không nên sử dụng lan can là những chấn song nằm ngang, trẻ có thể leo trèo rất nguy hiểm.
Ngoài việc chú trọng về cân đối kích thước sao cho phù hợp với nhân trắc học cũng nên chú ý thiết kế các hình thức nhất quán về cấu trúc, thẩm mỹ và chất liệu sẽ dễ tạo môi trường tốt phát sinh những dòng năng lượng tích cực. Trong thiết kế ban công nên lưu ý không nên chạy theo hình thức mà thiết kế quá cầu kì mà tạo nên các hình thù phức tạp gây nên các dòng năng lượng tạp loạn không tốt.
Trong phong thuỷ, tính hình tượng rất được chú trọng, do đó không nên tạo những hình tượng xấu cho ban công ví dụ như các hình tượng mang tính lộ kết cấu, hay các hình thức các thanh vắt chéo chữ X cũng không lợi về Phong thuỷ, biểu tượng này thường không đem lại may mắn cho gia chủ.
Nên tìm các hình thức hoặc là kín đáo, hoặc là dáng ôm vòng, những hình thức này vừa dễ đẹp vừa góp phần giúp lưu giũ những dòng năng lượng tích cực trong căn nhà bạn, tránh dòng năng lượng thất thoát một cách đột ngột.
Khu vực ban công mang yếu tố tĩnh - âm có thể có thể càng tuyệt vời hơn nếu biến nó thành một khu vườn treo giúp ta lấy lại cân bằng trong cuộc sống vốn đầy sôi động mang yếu tố dương. Tuy nhiên, việc bố trí trồng cây nên có sự tính toán sao cho hài hoà với cảnh quan và không gian sinh hoạt, không nên trồng thái quá thì lại tạo thành nơi tích tụ nhiều năng lượng âm không tốt. Có rất nhiều loại cây cảnh thích hợp cho ban công và sân thượng như kim phát tài, vạn niên thanh, trúc cảnh... Nói chung nên chọn những cây có lá màu xanh thẫm, ưa nắng, có sức sống...và phải chăm sóc thường xuyên. Tránh để cây khô héo.
Một điểm đáng lưu ý khác là nên tạo cho ban công có gờ bao quanh, đấy chính là một yếu tố nhỏ, nhưng giúp lưu trữ dòng năng lượng lâu dài cho giúp duy trì sự thịnh vượng và sức khoẻ cho gia chủ.
Ban công và lô-gia là những thành tố không thể thiếu trong một căn nhà hiện đại, chúng không chỉ góp phần tổ hợp nên mặt đứng công trình, tạo hiệu quả về thẩm mĩ, chúng đồng thời góp phần cung cấp thêm khoảng không gian mở, tạo điều kiện để con người có thêm phần không gian tiếp xúc với thiên nhiên. Với góc nhìn của khoa Phong thủy, tài vận của gia chủ đôi khi lại phụ thuộc vào một góc ban công bé nhỏ. Vì vậy dù trong môi trường đô thị đất chật, người đông chúng ta chúng ta không vì thế mà bỏ qua những khoảng không gian nhỏ mà hữu ích này.
KTS Phạm Cương www.ktshanoi.net Thiết kế kiến trúc - thi công xây dựng